Chào mừng đến với website LILAMA18-1.COM.VN
CÔNG TY CỔ PHẦN LILAMA 18.1
LILAMA 18.1 JOINT STOCK COMPANY

NGÀNH SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG: CẠNH TRANH VÀ THAY THẾ HÀNG NGOẠI NHẬP

Tại Hội nghị toàn quốc về VLXD lần đầu tiên được Bộ Xây dựng tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, VLXD là lĩnh vực có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ngành Xây dựng.

1. Cạnh tranh với thương hiệu ngoại

Tại Hội nghị toàn quốc về VLXD lần đầu tiên được Bộ Xây dựng tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, VLXD là lĩnh vực có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ngành Xây dựng.

Những năm qua, đầu tư phát triển VLXD được triển khai mạnh mẽ và tiến bộ vượt bậc. VLXD đang dần trở thành ngành kinh tế công nghiệp có vào trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Theo Phó Thủ tướng, VLXD trong nước đã có sự phát triển phong phú về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Nhiều thương hiệu VLXD trong nước đã có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài như Viglacera, Vicem, Erowindow…

Cùng chung nhận định như trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhìn nhận, lĩnh vực sản xuất VLXD ở nước ta thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt, công nghệ ngày càng hiện đại, từng bước hòa nhập với trình độ chung của khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp có trình độ sản xuất tiên tiến, có uy tín trên thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu đã cơ bản thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu (xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, đá ốp lát, vôi…).

Ngành công nghiệp xi măng là một ví dụ. Đây là một trong số các ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Từ năm 2010 cũng là năm đánh dấu mốc son Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clanhke sản xuất trong nước.

Những năm tiếp theo, để phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong nước, Việt Nam đã xuất khẩu clinke và xi măng ra nước ngoài tạo nguồn thu ngoại tệ để mua vật tư thiết bị. Hiện nay, theo một số thống kê thì Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clanhke nhiều nhất thế giới.

Về vật liệu ốp lát: Sản lượng sản xuất gạch ốp lát các loại (gạch ceramic, granit, cotto) không ngừng tăng nhanh, cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20-25% tổng công suất. Việt Nam đã đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như gạch ceramic, gạch granit, gạch cotto, gạch mosaic; kích thước; sản phẩm mỏng, trọng lượng nhẹ; màu sắc hoa văn phong phú; các sản phẩm giả cổ, giả gỗ, giả đá tự nhiên; các sản phẩm có bề mặt bóng và sần…

Trong những năm qua, cùng với xu hướng chung của ngành VLXD, sứ vệ sinh cũng không ngừng được đầu tư phát triển. Năng lực sản xuất trong nước hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 30 – 35% công suất thiết kế. Trong những năm gần đây nhiều hãng sản xuất sứ vệ sinh lớn như INAX; VIGLACERA, HẢO CẢNH… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm.

So với nhiều nước phát triển, Việt Nam thuộc diện đầu tư phát triển sản xuất kính muộn, song lại nhanh chóng tiệm cận được với công nghệ sản xuất kính tiên tiến nhất hiện nay, đó là công nghệ kính nổi.

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu và đầu tư công nghệ, thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất lớn, do tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây cũng như nhu cầu phát triển năng lượng sạch trong các năm sắp tới.

Hiện nay, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm.

Về nhóm sản phẩm VLXD thông thường (gạch, ngói đất sét nung, cát, đá xây dựng), đã giải quyết cơ bản nhu cầu phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước.

2. Khuyến khích sản xuất VLXD mới

Gần đây nhất, năm 2017 cũng là một năm đáng nhớ của lĩnh vực VLXD. Ông Phạm Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) đánh giá, điểm nhấn đáng chú ý nhất chính là đẩy mạnh việc sử dụng chất thải công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất VLXD, vừa tiết kiệm tài nguyên lại thân thiện với môi trường, trong đó nổi bật nhất là chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN)”.

Chương trình phát triển VLXKN cũng được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. Đến nay, đã có 55 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn; 25 địa phương đã xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

Theo các chuyên gia, để VLXD phát triển hơn nữa, việc quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách xuất khẩu, thuế, khoáng sản làm VLXD là cần thiết nhằm “gỡ khó” do doanh nghiệp.

Đồng thời, chủ động rà soát, sửa đổi các quy định về chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa, VLXD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Để tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong đó mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các chính sách cụ thể ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất những loại vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay.

Nguồn sưu tầm