Chào mừng đến với website LILAMA18-1.COM.VN
CÔNG TY CỔ PHẦN LILAMA 18.1
LILAMA 18.1 JOINT STOCK COMPANY

Tiềm Năng Của Ngành Vật Liệu Xây Dựng Phục Vụ Xây Dựng Biển Đảo (Kỳ 2)

“Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước là nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách của mỗi quốc gia, trong đó của nước ta hàng năm sử dụng hàng chục mét khối nước sử dụng cho khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất và sử dụng VLXD.

Tiềm Năng Của Ngành Vật Liệu Xây Dựng Phục Vụ Xây Dựng Biển Đảo (Kỳ 2)

Nguyên liệu sản xuất gốm sứ

         Các sản phẩm gốm sứ xây dựng bao gồm: Gạch ngói đất sét nung, gạch ốp lát (gạch ốp lát ceramic, gạch granit, gạch cotto) và sứ vệ sinh.


Đất sét:

         Đất sét trắng dùng trong sản xuất gạch ốp lát xương trắng sứ vệ sinh, còn đất sét đỏ được dùng trong sản xuất gạch đất sét nung, gạch ốp lát loại xương đỏ. Do nguồn đất sét trăng ở nước ta khan hiếm nên đa số các cơ sở sản xuất gạch ốp lát ở nước ta sử dụng đất sét đỏ.


        Nguồn đất sét trắng tốt nhất hiện nay là mỏ Trúc Thôn (Hải Dương) ngoài ra còn một số mỏ khai thác có trữ lượng nhỏ và chất lượng không cao ở Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế. Nguồn sét đỏ nước ta rất phong phú và phân bố ở khắp các vùng nên việc khai thác và sử dụng thuận tiện hơn.


Cao lanh

          Cao lanh là một trong những nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất gốm sứ xây dựng. Cao lanh ở nước ta được thành tạo từ nhiều nguồn gốc khác nhau theo dạng trầm tích và phong hóa. Tổng trữ lượng cao lanh đã thăm dò khảo sát trên phạm vi cả nước khoảng 850 triệu tấn. Trong đó tập trung ở các vùng như sau: Vùng trung du và miền núi phía Bắc khoảng 81,62 triệu tấn (chiếm 9,62% tổng tài nguyên cao lanh cả nước): Vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 101,11 triệu tấn (chiếm 11,92%): Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung khoảng 164,35 triệu tấn (chiếm 19,37%); Vùng Tây Nguyên khoảng 248,85 triệu tấn (chiếm 29,34%): Vùng Đông Nam Bộ khoảng 249,528 triệu tấn (chiếm 29,42% tổng tài nguyên cao lanh cả nước); Vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2,846 triệu tấn (chiếm 0.33%).


          Về chất lượng: Có nhiều mỏ cao lanh có chất lượng không cao, lượng thu hồi sau tuyển thấp, đa phần làm giàu mới sử dụng được. Đặc biệt để sử dụng trong lĩnh vực gốm sứ xây dựng cao cấp như gạch ốp lát và sứ vệ sinh phải tuyểnn lọc rất kỹ qua nhiều công đoạn.


Fenspat

         Trữ lượng các mỏ Fenspat trên cả nước đã thăm dò đạt khoảng 84 triệu tấn trong đó: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trữ lượng khoảng 46,3 triệu tấn, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cả nước (khoảng 55,21% tổng tài nguyên cả nước), chất lượng vào loại tốt nên đang được khai thác chế biến và cung cấp cho nhiều cơ sở sản xuất trong vùng và Vùng đồng bằng sông Hồng. Vùng đồng bằng sông Hồng trữ lượng nhỏ khoảng 5,3 triệu tấn (chiếm 6,31%). Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung trữ lượng khoảng 24,55 triệu tấn (chiếm 29,28%), chất lượng trong vùng vào loại tốt. Vùng Tây Nguyên trữ lượng khoảng 5,13 triệu tấn (chiếm 6,12%); Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trữ lượng nhỏ khoảng 2,66 triệu tấn (chiếm 3,167%), chất lượng Fenspat An Giang vào loại trung bình.


           Các kết quả nghiên cứu về Fenspat ở Việt Nam cho thấy Fenspat chất lượng không cao, khi sử dụng đều phải qua công đoạn chế biến làm giàu mới đáp ứng được cho các nhu cầu sử dụng.


Nguyên liệu sản xuất kính

          Cát trắng là nguyên liệu chính và có trữ lượng lớn ở Việt Nam, ước tính hàng tỷ tấn nằm trên các vùng Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Một số vùng đã được thăm dò trữ lượng lớn như Vân Hải (Quảng Ninh), Nam Ô, Thăng Bình (Quảng Nam – Đà Nẵng), Thủy Triều, Đầm Môn (Khánh Hòa), Hồng Liêm (Bình Thuận)…

 

           Tổng trữ lượng cát trắng trên phạm vi cả nước khoảng 846 triệu tấn. Về chất lượng cát trắng: Các kết quả nghiên cứu về thành phần hóa của cát trắng ở Việt Nam cho thấy nhiều mỏ cát có hàm lượng oxít silic trên 98%, hàm lượng oxít sắt dưới 0,3%, có thể đảm bảo cho sản xuất kính xây dựng. Những mỏ cát có chất lượng tốt nhất hiện nay là mỏ Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, Vân Hải tỉnh Quảng Ninh, Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, Ba Đồn tỉnh Quảng Bình, Cửa Việt tỉnh Quảng Trị.


Đá ốp lát

Với tổng tài nguyên trên 37 tỷ m3 và phân bố ở tất cả các vùng nên khả năng khai thác đá ốp lát có thể đến hàng trăm nghìn m3/năm cho mỗi vùng. Tài nguyên đá ốp lát ở các vùng rất lớn, song qua các kết quả nghiên cứu đánh giá về chất lượng đá ốp lát và điều kiện khai thác hiện tại thì những địa phương có triển vọng nhiều nhất là: Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình (vùng Trung du và miền núi Phía Bắc); Quảng Ninh, Hà Nội (vùng Đồng bằng sông Hồng); các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Kon Tum, Lâm Đồng (vùng Tây Nguyên); Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu (vùng Đông Nam bộ) và An Giang (vùng ĐBSCL).

 


Vật liệu xây dựng thông thường

          Sét gạch ngói: Với tổng tài nguyên khoảng 3,61 tỷ m3, phân bố hầu hết ở các vùng có thể cho phép khai thác khoảng 72 triệu m3/năm (sản xuất khoảng trên 40 triệu tỷ viên gạch tiêu chuẩn/năm) trong vòng 50 năm. Như vậy có thể thấy rằng tiềm năng về sét gạch ngói không phải là quá nhiều.
           Đá xây dựng: Với tổng tài nguyên trên 53 tỷ m3, phân bố hầu hết ở các vùng, đủ khả năng khai thác phục vụ cho nhu cầu xây dựng ở Việt Nam trong thời gian hàng trăm năm.
           Cát xây dựng: Với tổng tài nguyên khoảng 2 tỷ m3, song chủ yếu là cát cho xây trát và san nền. Cát cho sản xuất bê tông không nhiều, chỉ chiếm khoảng 30% và tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Đồng Nai và Đồng Tháp.


          Đặc điểm quan trọng của cát cho sản xuất bê tông ở Việt Nam là phân bố ở các sông như sông lô (Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc), sông Lèn (Thanh Hóa), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Hương, sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Đà Rằng (Phú Yên), sông Đồng Nai (Đồng Nai) và sông Hậu (Đồng Tháo và An Giang), còn cát mỏ có phân bố ở một số tỉnh nhưng trữ lượng không đáng kể và chất lượng cát không tốt như cát sông. Chính vì vậy, khả năng khai thác cát cho sản xuất bê tông ở Việt Nam hiện nay và trong những giai đoạn tới cần phải được hạn chế vì khai thác cát lòng sông quá mức cho phép sẽ gây nên những tác hại về môi trường sinh thái, đặc biệt là việc khai thác cát ở sông Lô, sông Đồng Nai và sông Hậu.


Nước để sử dụng và sản xuất vật liệu xây dựng

          Do tác động của biến đổi khí hậu Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống tiếp tục tăng nhanh đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam. “Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước là nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách của mỗi quốc gia, trong đó của nước ta hàng năm sử dụng hàng chục mét khối nước sử dụng cho khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất và sử dụng VLXD.

 

         Việc tìm kiếm các loại vật liệu sử dụng nhằm hạn chế, tiết kiệm tài nguyên nước cho ngành VLXD là một nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt đối với lĩnh vực VLXD cho biển đảo” - theo đề án nghiên cứu phát triển VLXD cho công trình biển đảo đến năm 2025. Nguồn nước ngọt tại chỗ đang ngày càng khan hiếm cạn kiệt, đang đặt ra bài toán thách thức đối với chúng ta. Hiện nay, trên thế giới đã có những công trình nghiên cứu sử dụng nước mặn tại chỗ để sản xuất chế tạo bê tông nhằm tiết kiệm chi phí giá thành, khắc phục được nguồn nước ngọt tại chỗ. Do đó, xuất phát từ những nhận thức mới trong việc sử dụng nguồn nước trong lĩnh vực VLXD đề án sẽ đề xuất những quan điểm, mục tiêu có những giải pháp để khuyến khích sử dụng hợp lý.

(nguồn biên soạn)