Tiềm Năng Của Ngành Vật Liệu Xây Dựng Phục Vụ Xây Dựng Biển Đảo (KỲ 1)
Tiềm Năng Của Ngành Vật Liệu Xây Dựng Phục Vụ Xây Dựng Biển Đảo (KỲ 1)
Trong bối cảnh định hướng phát triển của quốc gia gắn liền với phát triển kinh tế biển đảo, đẩy mạnh phát triển và gìn giữ bảo vệ chủ quyền của đất nước. Phát triển kinh tế biển trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia có biển. Trong đó có Việt Nam, yêu cầu phát triển kinh tế biển một cách hài hòa, bền vững đã và đang được đặt ra một cách cấp bách.
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế biển của mỗi quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, do đó việc chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các loại VLXD phục vụ cho các công trình biển đảo nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật ngày được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Nguồn lực về tài nguyên khoáng sản để sản xuất VLXD
Theo số liệu điều tra, khảo sát thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD trong thời gian lâu dài. Cụ thể, khoáng sản làm xi măng như: Đá vôi khoảng 44 tỷ tấn, đất sét khoảng 7,6 tỷ tấn, phụ gia khoảng 4 tỷ tấn; khoáng sản làm VLXD chủ yếu như: Đá ốp lát khoảng 37 tỷ m3, cao lanh khoảng 850 triệu tấn, fenspat khoảng 84 triệu tấn, cát trắng silic khoảng 1,4 tỷ tấn, đôlômit khoảng 2,8 tỷ tấn; khoáng sản làm VLXD thông thường như: đá xây dựng khoảng 53 tỷ m3, cát sỏi xây dựng khoảng 2,1 tỷ m3, đất sét sản xuất vật liệu nung khoảng 3,6 tỷ m3.
Sản lượng khai thác khoáng sản làm VLXD ở nước ta không ngừng tăng nhanh, từ năm 2006 đến năm 2017 sản lượng khai thác, chế biến tăng gần gấp 3 lần, cụ thể năm 2017 khoảng: 140 triệu tấn đá vôi, 25 triệu tấn đất sét và gần 15 triệu tấn phụ gia cho sản xuất xi măng; 2,0 triệu tấn cao lanh, 1,5 triệu tấn fenspat và 6,0 triệu tấn đất sét cho sản xuất gốm sứ; 1,5 triệu tấn cát trắng cho sản xuất kính xây dựng; 80 triệu m3 đất sét sản xuất vật liệu nung; 120 triệu m3 đá xây dựng và 150 triệu m3 cát xây dựng các loại.
Khối lượng khoáng sản VLXD đã khai thác, chế biến về cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất VLXD, đóng vai trò quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp VLXD của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng, góp phần xây dựng các công trình cho phát triển KT-XH… Khoáng sản là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển sản xuất VLXD ở Việt Nam.
Tiềm năng khoáng sản, phân bố và trữ lượng có khả năng khai thác cho sản xuất vật liệu xây dựng
Nguyên liệu sản xuất xi măng
Đá vôi xi măng
Theo báo cáo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020” (phần khoáng sản xi măng được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 28/7/2008 và Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 thì: Tổng tài nguyên đá vôi làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng ở Việt Nam rất lớn, khoảng 44,739 tỷ tấn.
Sét xi măng
Đất sét là nguyên liệu chính trong sản xuất xi măng, chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong thành phần phối liệu.Tổng số mỏ đã được phát hiện là 260 mỏ, tổng tài nguyên đất sét làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng ở Việt Nam khoảng 7,704 tỷ tấn. Trong đó, số mỏ đã được khảo sát, tìm kiếm, thăm dò là 218 mỏ; số mỏ chưa khảo sát là 42 mỏ, với trữ lượng 2,907 tỷ tấn. Hầu hết các mỏ sét có chất lượng đủ tiêu chuẩn về thành phần hóa theo quy định có thể sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất xi măng.
(nguồn biên soạn)