Rà soát Quy hoạch điện ở Trà Vinh và Trung tâm Điện lực Duyên Hải
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực (Ban Chỉ đạo), quan điểm khuyến khích việc khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo (NLTT) theo cơ cấu tỷ lệ hợp lý nhất định tương ứng từng giai đoạn theo đúng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (tỷ trọng NLTT chiếm 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045) nhằm an toàn tin cậy vận hành hệ thống điện, phù hợp với năng lực của lưới truyền tải theo Quy hoạch, đồng thời không đẩy giá năng lượng lên quá cao (phù hợp sức chịu đựng của nền kinh tế).
Theo đó, ngày 19/3/2020 Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy thêm gần 7.000 MW điện gió (trước đó đã bổ sung 4.800 MW điện gió, trong đó Trà Vinh bổ sung hơn 1.600 MW và đến nay mới có trên 400 MW/4800 MW vào vận hành do giá điện chưa hấp dẫn - 7,8 Uscents/kWh).
Thực tế cho thấy, số lượng điện gió sau 2 lần bổ sung quy hoạch và điện mặt trời (khoảng 14.000-15.000 MW) đã và sẽ bổ sung quy hoạch đã chiếm khoảng 26% tổng công suất đặt, cao hơn Nghị quyết 55 (tỷ trọng NLTT chiếm 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045). Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã đề nghị tỉnh Trà Vinh cùng chia sẻ quan điểm phát triển của Chính phủ, khó khăn của ngành điện và quan tâm đến lợi ích của nhà đầu tư.
Hiện Bộ Công Thương đang rà soát, tính toán, đánh giá để báo cáo Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian áp dụng giá cố định điện gió đến tháng 12/2023, các nội dung, mức giá điện áp dụng hiện sẽ được Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo tính toán, đề xuất. Mặt khác, xây dựng quy chế đấu thầu, đấu giá điện gió để từ năm 2023 các doanh nghiệp có thể tham gia.
Ngoài ra, Bộ Công Thương hiện đang rà soát, đánh giá tổng quát đề xuất của các doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy hoạch điện, xác định tiềm năng điện gió, điện mặt trời ở các khu vực để đưa vào lập Quy hoạch điện 8. Theo kế hoạch, Thủ tướng sẽ phê duyệt Quy hoạch này vào đầu năm 2021, do đó địa phương cần phối hợp với Viện Năng lượng (cơ quan tư vấn lập Quy hoạch) cung cấp các số liệu và tạo điều kiện về quy hoạch sử dụng đất đai.
Còn về tiến độ các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho rằng: Trung tâm Điện lực Duyên Hải có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống điện khu vực, có công suất gần 4.500 MW khi tất cả các dự án đi vào hoạt động, sản lượng điện lên đến gần 30 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo đáp ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Do đó, Cơ quan Chỉ đạo về Phát triển điện đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh tiếp tục giúp đỡ các thủ tục cuối cùng để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư BOT Duyên Hải 2 hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng, đưa toàn bộ Trung tâm này vào vận hành an toàn, hiệu quả trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp điện cho khu vực, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặt khác, EVN cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý như giấy xác nhận nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và các vướng mắc với nhà thầu để sớm thanh quyết toán dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 (mở rộng). Có văn bản báo cáo về thay đổi công suất dự án này từ 660 MW lên 688 MW để kịp thời giải quyết.
Đồng thời chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp đối với khu vực Cảng biển, cũng như các cơ sở hạ tầng dùng chung giữa Công ty Nhiệt điện Duyên Hải và nhà thầu Janakuasa nhằm bảo vệ môi trường và vận hành hiệu quả của các nhà máy trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo về tình hình vướng mắc, đề xuất giải pháp việc nạo vét luồng chung của Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải hiện tại thuộc phạm vi trách nhiệm của Cục Hàng hải và phạm vi trách nhiệm của các chủ đầu tư.
Đối với dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 của nhà đầu tư Janakuasa, Ban Chỉ đạo đề nghị tập trung các nguồn lực, vật tư thiết bị, chuyên gia, tài chính để sớm hoàn thành dự án phát điện 2 tổ máy vào tháng 6 và tháng 9 năm 2021 theo cam kết. Đặc biệt là Janakuasa cần có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh trong việc cho phép chuyển nơi cách ly cho chuyên gia của dự án này phù hợp với hoạt động của nhà thầu.
Giao Sở Công Thương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh hỗ trợ Công ty Janakuasa về thủ tục thuê nước mặt tại Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải và đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh sớm cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt kênh 3/2 từ 20.000m3/ngày đêm lên 40.000m3/ngày đêm để đáp ứng nguồn nước vận hành các nhà máy tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải.
Cuối cùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực giao Văn phòng Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo để đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh công tác nạo vét luồng chung trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải phục vụ cho tàu vận chuyển ra vào Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án, phối hợp các cơ quan liên quan để đề xuất giải quyết các vướng mắc trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư, cũng như tổng hợp trong báo cáo thường kỳ và đột xuất khi được yêu cầu