Chào mừng đến với website LILAMA18-1.COM.VN
CÔNG TY CỔ PHẦN LILAMA 18.1
LILAMA 18.1 JOINT STOCK COMPANY

Ngành dầu khí đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh tế biển

Với những đóng góp có thể khẳng định ngành Dầu khí chính là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có những đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển khoa học công nghệ, đóng góp rất quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, ngành Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng trong Chiến lược kinh tế biển của đất nước trong giai đoạn tới.

Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đánh giá Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Theo TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc khai thác tấn dầu đầu tiên ngày 26/6/1986 đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước khai thác và xuất khẩu dầu thô, đặc biệt là việc khai thác được tấn dầu đầu tiên từ tầng đá móng Bạch Hổ đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học địa chất của ngành Dầu khí. Từ đó đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được trên 500 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó có trên 380 triệu tấn dầu và gần 150 tỉ m3 khí. Doanh thu từ bán dầu đạt trên 150 tỉ USD và nộp ngân sách từ dầu thô trên 80 tỉ USD.

( ảnh internet)

Hiện PVN đang khai thác 32 mỏ dầu khí ở trong nước và 9 mỏ ở nước ngoài (5 mỏ tại Liên bang Nga, 3 mỏ tại Malaysia, 1 mỏ ở Algeria). Vốn chủ sở hữu tăng từ 177 nghìn tỉ đồng (năm 2006) lên trên 420 nghìn tỉ đồng (2017). PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ: “Việc khai thác được dầu khí năm 1986 đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 16 trong 20 nước có kinh tế biển lớn nhất”.

Đồng thời, ngành Dầu khí là một công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô của Chính phủ. Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét: “Trải qua 4 khóa Quốc hội, tôi nhận thấy rằng, mỗi khi gặp bức bách, khó khăn nhất thì chúng ta phải dùng dầu khí để quyết định tăng trưởng, năng suất lao động và ngân sách Nhà nước. Có những lúc, chúng ta báo cáo trước Quốc hội là không hoàn thành thu ngân sách và không bảo đảm được tốc độ tăng trưởng, nhưng chỉ sau 1 tháng, khi chúng ta quyết định những chính sách về ngành Dầu khí thì đã đạt được tăng trưởng”.

( ảnh internet)

PVN đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành công nghiệp khí hiện đại với 4 hệ thống đường ống dẫn khí (Rạng Đông - Bạch Hổ, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn1) và PM3-Cà Mau) đang được vận hành an toàn và hiệu quả, mỗi năm cung cấp 9 - 11 tỉ m3 khí khô, 500 - 600 triệu m3 LPG cho phát triển công nghiệp và các hộ tiêu thụ trong nước.

Tổng công suất các nhà máy điện do PVN đầu tư là 7.800 kW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với phương châm “điện đi trước một bước”.

Về lĩnh vực chế biến, hiện nay PVN có 2 nhà máy đạm, hằng năm cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

( ảnh internet)

Khi nhắc đến lĩnh vực chế biến dầu khí, không thể không nhắc đến Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Từ khi chính thức đưa vào vận hành sản xuất đến nay, NMLD Dung Quất sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là bảo đảm nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, ngành Dầu khí đã xây dựng và phát triển một hệ thống cơ sở căn cứ dịch vụ kỹ thuật, bến cảng xây lắp dầu khí, tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, có thương hiệu trong khu vực và quốc tế.

Từ năm 2015 đến nay, tổng doanh thu sản xuất kinh doanh toàn PVN đạt khoảng 500 nghìn tỉ đồng, có thời cao điểm trên 850 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách trung bình hằng năm chiếm khoảng 11 - 13% tổng thu ngân sách, có thời điểm lên đến 22 - 25%. Riêng dầu thô đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ 5 - 6%, đóng góp GDP khoảng 11%, cao điểm đến 20 - 22% GDP.

Đặc biệt, ngành Dầu khí tham gia hiệu quả vào công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Bộ tài liệu về cấu trúc thềm lục địa là cơ sở quan trọng khẳng định ranh giới pháp lý thềm lục địa Việt Nam.

Ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Với việc ngành Dầu khí ra đời, hàng loạt các chỉ tiêu giải quyết việc làm được giải quyết. Điều đáng nói, ngành Dầu khí hơn hẳn các lĩnh vực khác vì việc làm từ dầu khí có tính ổn định, bền vững và có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, ngành Dầu khí cũng trở thành hạt nhân quan trọng phát triển kinh tế vùng ở những nơi có công nghiệp dầu khí được xây dựng, đặc biệt ở những địa phương tiếp giáp biển. Minh chứng rõ ràng nhất là sự hình thành trục công nghiệp Đồng Nai - Vũng Tàu. Hoạt động dầu khí đã tham gia giải quyết vấn đề việc làm của lao động địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại những nơi ngành Dầu khí hoạt động, đóng góp hiệu quả cho việc thu ngân sách địa phương.

( ảnh internet)

Đạt được những thành tựu này một phần lớn là nhờ ngành Dầu khí và công nghiệp dầu khí đã đi tắt đón đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ.

Với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, PVN là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý trình độ cao, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng, đã thực hiện được hầu hết các công việc, từ nghiên cứu - triển khai, tư vấn - thiết kế, đến sản xuất, kinh doanh trong toàn bộ chuỗi giá trị của công nghiệp dầu khí từ hoạt động thượng nguồn đến hạ nguồn.

( ảnh internet)

Với những đóng góp cụ thể như vậy, có thể khẳng định ngành Dầu khí chính là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có những đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển khoa học công nghệ, đóng góp rất quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, ngành Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng trong Chiến lược kinh tế biển của đất nước trong giai đoạn tới.

Nguồn biên soạn