Hệ thống truyền tải điện 500kv và sứ mệnh lịch sử
Không chỉ góp phần quan trọng cung cấp điện cho miền Nam thông qua việc truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, hệ thống truyền tải điện quốc gia với công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam còn khẳng định một vai trò hết sức quan trọng, đó là: thống nhất hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam.
( ảnh internet)
Hơn 22 năm qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến đường dây mạch 1 dài gần 1.500 km với 5 trạm biến áp và trạm cắt 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có thêm 2 mạch đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3 - với tổng chiều dài hơn 8.000 km đường dây, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia.
Năm 1992, Công trình đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đầu tiên được thiết kế xây dựng nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa (từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình và một số nhà máy nhiệt điện than) ở miền Bắc để cung cấp cho miền Nam và miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng. Công trình này đã được cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công vào ngày 05/4/1992. Sau 2 năm thi công, ngày 27/5/1994, toàn bộ công trình với gần 1.500 km đường dây 500kV và 5 trạm biến áp, trạm cắt đã chính thức đóng điện, vận hành, đưa hệ thống điện hợp nhất trên toàn quốc.
( ảnh internet)
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại, việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam thời điểm đó được cho là quyết sách táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đứng đầu Chính phủ, bởi khi đó vẫn còn nhiều băn khoăn về khoa học, công nghệ, khả năng thi công cũng như lượng vốn đầu tư của công trình.
"Câu chuyện về đường dây 500kV được khởi động bên cạnh yếu tố kỹ thuật, kinh tế là yếu tố chính trị, ý thức về một quốc gia thống nhất, một lãnh thổ thống nhất, một nền kinh tế thống nhất và sự hỗ trợ lẫn nhau về các vùng miền và vị trí của năng lương quan trọng như thế nào. Như chúng ta đã thấy, nó đã vượt qua khá nhiều rào cản về nhận thức của thời kỳ đó bằng hành động phải nói rằng hết sức đột phá của những người lãnh đạo lúc đó. Rõ ràng bây giờ chúng ta xây dựng một hệ thống đường truyền tải điện trong bối cảnh chúng ta đang phát triển kinh tế như thế này là rất cần thiết"- Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
( ảnh internet)
Theo Giáo sư - Viện sĩ - TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, (người được Hội đồng Bộ trưởng khi đó lựa chọn nghiên cứu về tính khả thi của công trình) thực tế đã chứng minh công trình này có hiệu quả đầu tư nhanh nhất. Với tính toán trung bình mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện miền Trung và miền Nam khoảng 2 tỷ kWh, thay vì phải chạy điện cung cấp tại thời điểm đó bằng dầu diezel thì chỉ sau 3 năm công trình đã thu hồi được hơn 6 nghìn tỷ đồng tiền vốn đầu tư (tương đương khoảng 500 triệu USD). Nhưng cái được quan trọng hơn cả, đó là, giải quyết được tình trạng thừa điện ở miền Bắc, đảm bảo đủ điện cho miền Trung và cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống, đưa kinh tế của các tỉnh miền Nam và TP Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc. GS Trần Đình Long quả quyết, qua thực tế vận hành đã chứng minh được rằng chưa đầy 3 năm đầu tiên, vốn bỏ ra để xây dựng đường dây 500kV đã được thu hồi. Đây là một trong những công trình điện lực lớn và có thời gian thu hồi vốn nhanh nhất hay nói cách khác là hiệu quả kinh tế hết sức rõ ràng và to lớn.
Không chỉ truyền tải điện từ Bắc vào Nam, kể từ khi một số nhà máy điện lớn ở miền Nam đi vào hoạt động, nguồn điện tại chỗ đã được đáp ứng, giai đoạn từ năm 1995-2005, đường dây 500kV Bắc - Nam lại thêm một lần nữa chứng minh tính hiệu quả của nó - khi thực hiện nhiệm vụ truyền tải ngược một lượng điện năng lớn ra hỗ trợ cho miền Bắc, đặc biệt vào các thời điểm khô kiệt, hạn hán.
( ảnh internet)
Với những lợi thế của công trình điện 500kV Bắc Nam đối với an ninh năng lượng của hệ thống điện quốc gia, từ năm 2000, nhiều đoạn tuyến của đường dây 500kV mạch 2 được thi công xây dựng. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2005, đường dây 500kV mạch 2 (dài gần 1.200km) đã đồng thời giúp nâng gấp 2 lần năng lực truyền tải điện, góp phần đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện quốc gia.
Tiếp đó, gần 450 km đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 2014, kịp thời đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam với nhu cầu điện tăng cao liên tục trong những năm gần đây, và theo kế hoạch sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới.
Xác định tầm quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn hệ thống điện quốc gia, lưới điện 500kV đang được tiếp tục đầu tư đồng bộ và hiện đại, có khả năng liên kết với lưới điện của một số nước trong khu vực ASEAN. Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNNPT là đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam, sẵn sàng truyền tải điện năng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam đáp ứng yêu cầu. Đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch. Xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo lành mạnh tình hình tài chính của EVNNPT. Hoàn thành và triển khai thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chí N-1 đối với toàn hệ thống, N-2 ở một số khu vực quan trọng. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào các hoạt động của EVNNPT.
( ảnh internet)
Để có được hơn 8000 km đường dây truyền tải 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, chúng ta nhớ đến những hy sinh, vất vả lặng thầm, kể cả máu xương của hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân xây dựng và vận hành đường dây, vượt qua biết bao khắc nghiệt của thời tiết, của địa hình hiểm trở, thi công khó khăn trên các sườn đồi, rừng núi. Và trong suốt 22 năm qua, kể từ ngày thống nhất hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam, các thế hệ công nhân lao động tiếp nối truyền thống đó để quản lý, vận hành an toàn, thông suốt hệ thống truyền tải điện quốc gia, để ánh điện luôn tỏa sáng suốt mọi miền Tổ quốc.
Nguồn biên soạn