Công bố báo cáo triển vọng năng lượng việt nam 2019
Ngày 4/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019 (Báo cáo EOR19) - trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (giai đoạn 2017-2020) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.
Quá trình phát triển của năng lượng Việt Nam đến năm 2019
Tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Từ năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký hiệp định dài hạn hợp tác toàn diện trong lĩnh vực năng lượng, các dự án chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.
Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017 cho thấy hệ thống điện của Việt Nam có thể vận hành với tỷ trọng các dạng năng lượng ở mức cao, đồng thời đề xuất các kịch bản tham khảo khác nhau cho phát triển năng lượng của Việt Nam, cũng như xác định các cơ hội phát triển của ngành điện.
Báo cáo EOR19 trình bày các kết quả nghiên cứu các kịch bản phát triển điện và năng lượng, các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng của Việt Nam trong dài hạn, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển điện 8, cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Các chủ đề được xây dựng trong báo cáo EOR19
Lễ công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019.
Các nguồn năng lượng
- Các phát hiện chính: Xu hướng gia tăng sử dụng than vẫn tiếp tục diễn ra; Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể thay thế than trong sản xuất điện với chi phí cao hơn nhưng đỡ gây ô nhiễm môi trường hơn; Các nguồn NLTT (gió, mặt trời, thủy điện và sinh khối) có thể chiếm tới 24% nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2050 và chiếm 59% sản lượng điện sản xuất; Vào năm 2030, có sự gia tăng đáng kể về nhập khẩu than và dầu...
- Cần sớm nghiên cứu việc giảm nhu cầu sử dụng than trong tương lại, ví dụ đánh thuế đối với sử dụng than hoặc hạn chế nhà máy nhiệt điện than mới; Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông hiệu quả năng lượng thông qua các chính sách khuyến khích về kinh tế và các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Tiết kiệm năng lượng
- Các phát hiện chính: Mức TKNL đạt được cao hơn chi phí TKNL: Kết quả tính từ mô hình cho thấy gia tăng chi phí đầu tư công nghệ TKNL ở mức 7 tỷ USD vào năm 2030 và 16 tỷ USD vào năm 2050 vẫn thấp hơn so với chi phí cho tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đầu tư vào phần cung, dẫn tới tổng chi phí tiết kiệm đạt được lên đến 3 tỷ USD vào năm 2030 và 30 tỷ USD vào năm 2050.
- Các khuyến nghị: Các giải pháp TKNL tham vọng cần được ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch phát triển điện 8; Tiếp tục triển khai và tăng cường chính sách TKNL hiện tại (VNEEP3); Tập trung khắc phục các rào cản nhằm tạo điều kiện cho các dự án đầu tư quy mô lớn vào công nghệ TKNL cho các ngành sử dụng năng lượng; Đầu tư mới vào các nhà máy nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp.
Năng lượng tái tạo
- Các phát hiện chính: Trong khi tiềm năng của thủy điện đã khai thác gần hết, thì năng lượng sinh học lại có tiềm năng ngày càng lớn trong các nhà máy nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp và sản xuất điện.
- Để phát triển thành công điện gió, mặt trời tại Việt Nam, cần có các điều kiện khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Cân bằng hệ thống điện
- Các phát hiện chính: Cân bằng hệ thống điện với tỷ trọng của điện gió và điện mặt trời ở mức cao hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế; Trong dài hạn, cần xem xét lắp đặt pin lưu trữ điện năng với khối lượng lớn; Đánh giá tổng thể lưới điện truyền tải cho thấy chi phí đầu tư cần thiết vào lưới điện truyền tải đến năm 2030 chiếm 30% tổng chi phí đầu tư hệ thống điện.
- Các khuyến nghị: Áp dụng cách tiếp cận từng bước đối với tích hợp điện gió và mặt trời; Nghiên cứu và tiến hành gỡ bỏ các rào cản thị trường nhằm đảm bảo việc tích trữ điện năng được đưa vào ứng dụng nhanh chóng, kịp thời, từ đó thiết lập các thị trường thuận lợi…
Khí hậu và ô nhiễm
- Các phát hiện chính: Phát thải CO2 từ ngành năng lượng đang tăng lên nhanh chóng; Than là nguồn phát thải CO2 chính; Phát thải từ than trong ngành điện gây ra chi phí y tế lớn đối với xã hội.
- Các khuyến nghị: Áp dụng các chính sách khuyến khích nhằm giảm phát thải khí CO2 và các chất ô nhiễm không khí khác, bao gồm thuế, các chương trình mua bán phát thải hoặc các hình thức hệ thống thị trường khác; Hài hòa tất cả các mục tiêu NLTT và mục tiêu phát thải của chính phủ cho quy hoạch trong tương lai; Thắt chặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong sản xuất điện và công nghiệp, bổ sung các chi phí y tế do ô nhiễm môi trường trong mô hình hóa hệ thống năng lượng và lập quy hoạch (trong đó có Quy hoạch điện 8).
Anh chị xem thông tin chị tiết tại đây
Nguồn báo năng lượng Việt Nam