Chào mừng đến với website LILAMA18-1.COM.VN
CÔNG TY CỔ PHẦN LILAMA 18.1
LILAMA 18.1 JOINT STOCK COMPANY

Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp nhẹ vươn lên làm nhà thầu

Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất đồ may mặc hàng đầu thế giới. Cho đến nay, may mặc vẫn là ngành công nghiệp nhẹ thực hiện buôn bán nhiều nhất, vượt xa các ngành khác.

1. Đã đến lúc bứt khỏi vị thế nhà thầu phụ

Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất đồ may mặc hàng đầu thế giới. Cho đến nay, may mặc vẫn là ngành công nghiệp nhẹ thực hiện buôn bán nhiều nhất, vượt xa các ngành khác.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giàyViệt Nam cho biết, ngành da giày – túi xách Việt Nam đóng góp gần 10% cho GDP cả nước, chỉ riêng xuất khẩu trong năm 2013 đạt 10,4 tỷ USD trên tổng kim ngạch 132 tỷ USD của cả nước. Hiện cả nước có trên 500 doanh nghiệp đang hoạt động và trở thành ngành công nghiệp lớn thứ ba sau dệt may và điện thoại. Trong đó, trên 60% năng lực ngành nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. 

Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, trong các ngành hiện nay, có thể đánh giá giày dép và dệt may được đổi mới sớm nhất. Đây là ngành mà vốn sở hữu của Nhà nước rất ít, quá trình cổ phần hóa nhanh, nguồn vốn đầu tư tư nhân và FDI dồn vào sớm và nhiều. Cụ thể, 18,5% là doanh nghiệp FDI (toàn bộ hoặc một phần, và phần lớn là các công ty lớn), 80% là doanh nghiệp Việt Nam ngoài quốc doanh, số còn lại là doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn 2010 – 2013, dù nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung còn rất nhiều khó khăn nhưng hai ngành này vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10 – 13%.

(ảnh internet)

Tuy nhiên, vì nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam là nhà thầu phụ cho người mua hoặc các công ty thu gom nước ngoài trên thị trường tiêu dùng nên doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa tham gia trực tiếp vào mạng lưới cung ứng đầu vào và đầu ra bên ngoài. Ngành may mặc và giày da chủ yếu đang dừng ở giai đoạn gia công, có rất ít đơn hàng được sản xuất và bán theo giá FOB. Vì đang ở vị thế nhà thầu phụ nên các doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển được năng lực thiết kế nội tại và năng lực kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp Việt chưa thể vươn lên vị trí nhà thầu chính để đảm nhiệm vai trò người phát triển sản phẩm hoặc thương hiệu.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Tăng trưởng kinh tế của ngành dệt may, giày da của chúng ta phụ thuộc vào đầu tư vốn hơn là tăng năng suất lao động. Không có sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng, sản xuất phụ thuộc nặng vào nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian, nhất là các công ty FDI. Sau hơn 25 năm phát triển, các doanh nghiệp dệt may và giày da Việt Nam đã thực sự mong muốn và có nhiều nỗ lực để bứt khỏi vị thế một thầu phụ đơn thuần”.

(ảnh internet)

2. Hợp tác PPP xây dựng cụm liên kết vươn lên làm nhà thầu chính

“Cơ hội vươn lên làm nhà thầu chính đang đến rất gần với các doanh nghiệp Việt Nam”, đánh giá của chuyên gia Đinh Trường Hinh và các cộng sự đến từ WB. Theo đó, nếu Việt Nam tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là Hiệp định TPP thì hoàn toàn có tiềm năng trở thành một quốc gia có tính cạnh tranh toàn cầu mạnh hơn trong ngành may mặc, giày da. Lợi thế của chúng ta là: lực lượng lao động dồi dào, tiền công thấp, tinh thần người lao động chăm chỉ học hỏi. Hiện nay, Việt Nam là một nhà cung cấp sản phẩm may mặc khối lượng lớn, xây dựng được uy tín trên thị trường quốc tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế về giá. Thị trường nội địa của chúng ta cũng rất hấp dẫn với hơn 90 triệu dân. Nguồn cung về các dịch vụ tiện ích như: điện, nước và nhiêu liệu khá rẻ… Cơ hội đến từ Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam tận dụng thế mạnh vốn có, xây dựng năng lực kỹ thuật và thiết kế tại chỗ để cho phép thoát khỏi tình trạng nhà thầu phụ và trở thành nhà thầu chính – người phát triển sản phẩm và thương hiệu của chính mình. 

(ảnh internet)

Khuyến nghị của nhóm nghiên cứu Đinh Trường Hinh và cộng sự nhấn mạnh: “Hợp tác công - tư chặt chẽ là điều kiện thiết yếu đối với bất kỳ một chiến lược công nghiệp hóa nào muốn thành công. Chính các doanh nghiệp tư nhân mới là người tạo ra các chuỗi liên kết, cụm liên kết chứ không phải chính phủ. Một khi những cụm liên kết này đã mở rộng thì khu vực công có thể bắt đầu tham gia tích cực hơn vào việc phát triển kết cấu hạ tầng chung (đường sá, tiện ích công cộng, đất đai…) và hướng kết cấu hạ tầng này vào việc phục vụ những yêu cầu cụ thể của cụm liên kết đang nổi lên.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công Thương cho rằng: “Để phát triển bền vững hai ngành dệt may và giày da, chúng ta cần huy động mọi nguồn vốn từ tất cả các thành phần kinh tế, thuộc các hình thức sở hữu khác nhau trong và ngoài nước để xây dựng, phát triển thêm các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đầu tư mới và phát triển các trung tâm nghiên cứu thời trang tại các thành phố lớn”.

Nguồn biên soạn