AN TOÀN THIẾT BỊ CHỊU ÁP LỰC (KỲ 3)
AN TOÀN THIẾT BỊ CHỊU ÁP LỰC (KỲ 3)
4. Các giải pháp phòng ngừa
Để ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động có thể xảy ra trong quá trình sử dụng các thiết bị chịu áp lực, trên cơ sở phân tích các nguyên nhân ở trên, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
a. Đối với doanh nghiệp, người sử dụng thiết bị chịu áp lực
- Các đơn vị chế tạo, sửa chữa thiết bị chịu áp lực phải thực hiện đầy đủ các qui định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn; phải lập qui trình công nghệ chế tạo theo đúng yêu cầu của người thiết kế; chịu trách nhiệm về chất lượng chế tạo, sửa chữa; phải tổ chức kiểm tra các khâu trong quá trình chế tạo, sửa chữa.
- Các đơn vị lắp đặt phải tuân thủ những qui định của người chế tạo khi lắp đặt. Mọi thay đổi về kết cấu phải được sự thỏa thuận của người chế tạo. Khi không có điều kiện thỏa thuận này thì phải được cơ quan cho phép lắp đặt chấp thuận; mọi thỏa thuận về thay đổi kết cấu phải được thực hiện bằng văn bản (các văn bản này phải được lưu trong hồ sơ thiết bị).
- Người chủ sở hữu thiết bị chịu áp lực phải tăng cường trách nhiệm quản lý trong việc sử dụng thiết bị; phải ban hành các qui định trách nhiệm cho các đương sự liên quan đến việc sử dụng thiết bị chịu áp lực; phải kiểm định, đăng ký thiết bị tại cơ quan có thẩm quyền.
b. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động
- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy, các qui chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực, đặc biệt chú ý hệ thống văn bản pháp qui qui định các chế tài quản lý, an toàn lao động đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về các điều kiện sử dụng an toàn thiết bị chịu áp lực. Cần tăng cường lực lượng thanh tra cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên an toàn lao động. Mặt khác trong công tác thanh tra cần cải tiến nội dung và phương pháp để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và tránh gây phiền hà cho cơ sở. Trong điều kiện lực lượng thanh tra an toàn lao động còn mỏng như hiện nay, cần xác định và tập trung thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm ở các khu vực có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, khu vực có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản nếu tai nạn xảy ra.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động theo qui định của pháp luật hiện hành (Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 và thông tư số 41/2011/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2011 của Bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động).
- Xử lý nghiêm minh trước pháp luật những trường hợp vi phạm các qui định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động để xảy ra các sự cố, tai nạn lao động, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
(nguồn biên soạn)