Chào mừng đến với website LILAMA18-1.COM.VN
CÔNG TY CỔ PHẦN LILAMA 18.1
LILAMA 18.1 JOINT STOCK COMPANY

THÚC ĐẨY SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỪ TRO, XỈ

Hiện nay, một số chủ đề về tro, xỉ NMNĐ được nghiên cứu tại Việt Nam là: Sử dụng tro, xỉ làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi-măng, bê-tông các loại (đã được tiêu chuẩn hóa thành TCVN);

Hiện nay, một số chủ đề về tro, xỉ NMNĐ được nghiên cứu tại Việt Nam là: Sử dụng tro, xỉ làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi-măng, bê-tông các loại (đã được tiêu chuẩn hóa thành TCVN); làm cốt liệu cho bê-tông và vữa (đã được tiêu chuẩn hóa thành TCVN); thay thế đất sét trong sản xuất clanh-ke xi-măng, gạch đất sét nung; sản xuất gạch không nung: gạch bê-tông (xi-măng cốt liệu), gạch bê-tông khí chưng áp, bê-tông bọt; làm vật liệu san lấp (chuẩn bị ban hành TCVN); kết hợp chất kết dính làm lớp móng đường giao thông; sử dụng tro bay làm vật liệu gia cố nền đất yếu; làm cốt liệu nhẹ cho bê-tông. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 12 NMNĐ than đang vận hành sử dụng tổng khối lượng than trung bình năm khoảng 34 triệu tấn. Theo đó, tổng khối lượng tro, xỉ của các NMNĐ than của EVN phát sinh trung bình 8,1 triệu tấn/năm. Đối với các NMNĐ sử dụng than nội địa, loại than chủ yếu là dải than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình từ 29% đến 37,5%, trong đó khối lượng tro bay chiếm từ 70 đến 80% và khối lượng xỉ đáy lò chiếm 20-30%.

Đối với các NMNĐ sử dụng than nhập, loại than sử dụng là bituminos và sub-bituminous với độ tro trung bình là 6-7%, trong đó khối lượng tro bay chiếm từ 80 đến 85% và khối lượng xỉ đáy lò chiếm 15-20%.

Hiện nay, khối lượng tro, xỉ đang lưu giữ tại các NMNĐ than là gần 15 triệu tấn. Điển hình như các NMNĐ Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết hoàn toàn lượng tro, xỉ. Chỉ còn lại NMNĐ Quảng Ninh và Mông Dương 1 có khối lượng tro, xỉ chưa tiêu thụ nhiều. Đối với các NMNĐ than khu vực phía nam là Duyên Hải và Vĩnh Tân, các NMNĐ mới đưa vào vận hành tại Duyên Hải và Vĩnh Tân thời gian vừa qua đã làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro, xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này lấy mẫu thí nghiệm nhằm đưa ra phương án tiêu thụ. Cụ thể như tại Duyên Hải đã ký hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ với tổng khối lượng 2,9 triệu tấn/năm, bằng 210% tổng khối lượng tro, xỉ trung bình hằng năm của hai nhà máy. Vĩnh Tân đã làm việc với chín công ty để nghiên cứu xử lý tro, xỉ. Tuy nhiên, cho đến nay, khối lượng tro, xỉ được tiêu thụ vẫn chưa đáng kể.

PGS, TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết: Tổng nhu cầu than cho sản xuất điện của cả nước đến năm 2020 sẽ là 63 triệu tấn, năm 2025 là 95,4 triệu tấn và năm 2030 là 128,4 triệu tấn, tương đương tổng lượng tro thải ra 15,09 triệu tấn (năm 2020), 17 triệu tấn (năm 2025) và 20,58 triệu tấn (năm 2030). Vì vậy, để bảo đảm các NMNĐ than hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro, xỉ đang tiếp tục phát sinh và còn tồn tại các bãi thải xỉ hiện nay. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các công ty trong lĩnh vực sản xuất VLXD từ tro, xỉ, các doanh nghiệp đã đưa ra một số kiến nghị về ban hành các chính sách hỗ trợ các đơn vị đầu tư nhà máy tuyển như hỗ trợ về lãi suất, thuế thu nhập, thuế VAT, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất: nên quy định các đơn vị xử lý tro thải của các NMNĐ được hưởng một phần chi phí chôn lấp tro thay vì phải mua như hiện nay. Hơn nữa, tro, xỉ thải của các NMNĐ than cần phải được xử lý bảo đảm các yêu cầu theo TCVN ban hành để bảo đảm chất lượng VLXD và chất lượng công trình.

Với mục đích xử lý triệt để tro, xỉ thải của các NMNĐ than và tận thu tái sử dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới, EVN cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện cao nhất cho các đối tác tiếp cận nghiên cứu phương án vận chuyển và tiêu thụ tro, xỉ; phối hợp cùng các đối tác làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro, xỉ; sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong việc tìm kiếm các giải pháp bảo đảm chất lượng tro, xỉ... Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ theo Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ NMNĐ, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ...

Tro, xỉ nhiệt điện được đánh giá là phù hợp để làm nguyên vật liệu sản xuất VLXD và sử dụng cho xây dựng. Quyết định số 1696/QĐ-TTg và 452/QĐ-TTg là cơ sở để thúc đẩy việc xử lý, sử dụng tro, xỉ nhiệt điện ở Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ các NMNĐ, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ... nhằm triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các công việc liên quan.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất điện cũng như doanh nghiệp sản xuất VLXD cũng có một số kiến nghị như sau: Các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích phát triển thị trường, thói quen sử dụng để các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất. Ban hành các quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc thị trường vật liệu xây dựng sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao, bê-tông, gạch không nung. Có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các NMNĐ trong xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.

Sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo hướng xem tro, xỉ nhiệt điện khi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì được coi là sản phẩm hàng hóa và không bị điều chỉnh theo quy định về chất thải công nghiệp thông thường. Xem xét, ban hành đơn giá cho khối bê-tông lấn biển sản xuất từ tro, xỉ.

Nguồn sưu tầm